Mục tiêu và định hướng đào tạo

Mục tiêu đào tạo

Mục tiêu chung: Chương trình đào tạo trường Đại học Xây dựng Hà Nội cung cấp cho sinh viên môi trường đào tạo tốt nhất để họ hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức, tri thức cũng như các kỹ năng cơ bản để đạt được thành công về nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Mục tiêu cụ thể:  Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo trường Đại học Xây dựng Hà Nội đáp ứng các yêu cầu sau:

(1) Yêu cầu về kiến thức

  • Có kiến thức Lý luận Chính trị, Khoa học Xã hội và Nhân Văn, hiểu biết về Pháp luật Việt Nam, hiểu biết về An ninh Quốc phòng. Có kiến thức và khả năng tự rèn luyện về thể chất.
  • Có kiến thức cơ bản về toán học, khoa học tự nhiên và cơ sở kỹ thuật phù hợp với ngành được đào tạo, đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức chuyên ngành.
  • Có kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực thiết kế và thi công xây dựng bao gồm: Thiết kế kiến trúc; Kết cấu công trình; Thiết kế công nghệ và tổ chức thi công xây dựng công trình; Phân tích kinh tế; Quản lý, tổ chức, chỉ đạo thi công và quản lý khai thác các công trình xây dựng.
  • Có đủ trình độ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu việc làm và học tập ở bậc sau đại học trong tất cả các ngành thuộc khối ngành xây dựng công trình.

(2) Yêu cầu về kỹ năng

   + Kỹ năng cứng:

  • Có kỹ năng độc lập và tự chủ trong việc giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn;
  • Có khả năng phân tích, tổng hợp và vận dụng các kiến thức đã tích luỹ trong quá trình học vào thực hành nghề nghiệp thực tế;
  • Có kỹ năng sáng tạo trong xử lý các tình huống và kỹ năng giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản theo yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

    + Kỹ năng mềm:

  • Có khả năng giao tiếp, thuyết trình, thảo luận, làm việc theo nhóm;
  • Có khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học trong nghiên cứu ứng dụng các lĩnh vực chuyên môn.

(3) Yêu cầu về thái độ:

  • Có phẩm chất, đạo đức cá nhân, ý thức nghề nghiệp; Làm tròn trách nhiệm của công dân;
  • Có tác phong làm việc công nghiệp, hợp tác, thân thiện phục vụ cộng đồng;
  • Có ý thức cập nhật kiến thức, sáng tạo trong công việc.

(4) Khả năng làm việc của người học sau khi tốt nghiệp:

  • Là kỹ sư, kiến trúc sư làm tư vấn thiết kế, thi công các công trình xây dựng; Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
  • Cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ các viện nghiên cứu; Cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.

(5) Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp:

  • Có kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành thích nghi với thị trường lao động luôn biến động.
  • Có kiến thức liên ngành để vừa thuận lợi khi cần vươn lên trình độ học vấn cao hơn, vừa có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp dễ dàng.

Định hướng đào tạo

Nhằm đáp ứng thị trường lao động trong nước cũng như các nước trong khu vực, trường Đại học Xây dựng Hà Nội định hướng đào tạo các kỹ sư, kiến trúc sư có trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu lao động trong thời gian tới. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra tiếp cận CDIO, đào tạo sinh viên sau khi ra trường phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và có thể chủ động hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành công việc chuyên môn.