Hoạt động chung

Tiếp Đoàn đánh giá Dự án SATREPS của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản

Từ ngày 03 đến ngày 04 tháng 11 năm 2023, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã đón tiếp và làm việc với Đoàn đánh giá của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản để đánh giá kết thúc Dự án SATREPS.

Dự án SATREPS “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” do Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ giai đoạn 2018 – 2024.

Tiếp Đoàn đánh giá có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang- Phó Hiệu trưởng Giám đốc Dự án cùng các thành viên Ban Quản lý Dự án. Về phía Đoàn đánh giá của JST có: GS. Yukari Takamura, Đại học Tokyo - Giám sát viên chính phụ trách Dự án SATREPS; ông Nobuyuki Fukasawa - Chuyên gia nghiên cứu cấp cao. Về phía các đối tác thực hiện phía Nhật Bản đến từ Đại học Saitama gồm có: GS. Ken Kawamoto - Đồng Giám đốc, GS. Tetsuo Konaka - Chuyên gia cao cấp; TS. Yugo Isobe - Nghiên cứu viên chính của Trung tâm Nghiên cứu về Môi trường của tỉnh Saitama (CESS) và TS. Tomonori Ishigaki - Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia (NIES).

Đoàn đánh giá và các thành viên dự án

Tại buổi làm việc, Giám đốc dự án PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng đã cảm ơn sự hỗ trợ về chuyên môn cũng như nguồn lực tài chính của Chính phủ Nhật Bản dành cho Dự án thông qua JST và JICA. Mặc dù, trong thời gian thực hiện dự án do dịch bệnh Covid đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại của các chuyên gia sang Việt Nam để phối hợp trực tiếp. Nhưng các chuyên gia của Nhà trường đã chủ động triển khai các hoạt động theo tiến độ dưới sự hỗ trợ trực tuyến của các chuyên gia Nhật Bản.

Tiếp Đoàn đánh giá và chuyên gia Nhật Bản

Đại diện Đoàn đánh giá, GS. Yukari Takamura, Đại học Tokyo - Giám sát viên chính phụ trách Dự án SATREPS của JST cũng đã cảm ơn Nhà trường dành thời gian đón tiếp. Mặc dù không sang được Việt Nam theo kế hoạch hoạt động thường niên của Ban Điều phối, nhưng kết quả của từng hoạt động đều được ghi nhận và đánh giá cao. Đoàn Đánh giá sẽ cùng các chuyên gia của dự án đi làm việc tại các đơn vị phối hợp thực hiện phía Việt Nam như Sở Xây dựng Hà Nội; Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng; Viện Chiến lược, Chính sách, Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh; Công ty TNHH Bê tông Đúc sẵn và Cơ khí Bình Dương để đánh giá thêm về tình hình thực hiện và các tác động của Dự án. Ngoài ra, Đoàn đánh giá cũng đã phỏng vấn Ban Giám đốc và Trưởng nhóm các hoạt động của Dự án về đánh giá các kết quả đạt được, triển vọng trong tương lai để đưa các kết quả dự án vào cuộc sống cũng như phát triển hướng hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới.

Đoàn đánh giá phỏng vấn Ban Giám đốc và các thành viên Dự án

Kết quả đầu ra của Dự án không chỉ là phát triển các công nghệ mới về Vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng (CTRXD) mà còn hỗ trợ quan trọng cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong việc xây dựng khung pháp lý về quản lý CTRXD tại Việt Nam. Đặc biệt là các tài liệu hướng dẫn như Chỉ dẫn kỹ thuật phân loại CTRXD tại công trường, và Tiêu chuẩn Việt Nam về cấp phối vật liệu tái chế từ CTRXD làm lớp móng đường giao thông đã được ban hành sẽ được áp dụng rộng rãi tại 63 tỉnh thành. Ngoài ra, Dự án còn xây dựng được các mô hình dự báo lượng phế thải phát sinh và mô hình kinh tế hiệu quả cho doanh nghiệp từ đó mở ra một lĩnh vực công nghiệp về tái chế CTR nói chung và CTRXD nói riêng tại Việt Nam.

Các hình ảnh tiếp đón Đoàn đánh giá:

Phòng Truyền thông và Tuyển sinh