Hoạt động chung

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa bốn trường: Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học xây dựng

Chiều ngày 30/10/2018, tại Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD), bốn trường gồm: Trường Đại học Giao thông vận tải (UTC), Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG), Trường Đại học Thuỷ Lợi và Trường Đại học Xây dựng (NUCE) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các trường.

Tham dự buổi lễ có: PGS.TS Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT; PGS.TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHXD; PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT; PGS.TS Lê Hải An – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất; GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cùng đại diện lãnh đạo và CBVC của các Phòng, Ban, Khoa thuộc 04 trường.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS Phạm Duy Hòa –Hiệu trưởng Trường ĐHXD chào mừng các đại biểu đến tham dự buổi lễ. PGS.TS Phạm Duy Hòa cho biết, bên cạnh các khối ngành chung, trong lĩnh vực đào tạo, NCKH mỗi trường đều có những thế mạnh riêng và bề dày truyền thống hợp tác của bốn trường đã tồn tại từ nhiều thế hệ. Trong những năm gần đây, mỗi trường đều đã và đang mở rộng các lĩnh vực đào tạo. Trước tình hình mới, đã đến lúc cần nâng cao sự hợp tác vốn có lên tầm cao mới để phát huy những thế mạnh riêng cũng như cùng nhau vượt qua những thách thức trong tình hình mới. PGS.TS Phạm Duy Hòa mong muốn sau lễ ký kết, các trường thành viên sẽ chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Duy Hòa –Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu tại buổi lễ

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT khẳng định lễ ký kết là bước khởi đầu chắc chắn cho sự hợp tác bền vững, toàn diện trên lĩnh vực đào tạo, NCKH, trao đổi sinh viên v.v.. Thay mặt Trường Đại học GTVT, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long cam kết làm hết sức mình biến các nội dung trong biên bản thỏa thuận hợp tác thành hiện thực và đạt hiệu quả cao.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT phát biểu tại buổi lễ

PGS.TS Lê Hải An – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, giáo dục đào tạo là khâu then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, bối cảnh hội nhập quốc tế và quá trình tự chủ đại học diễn ra đòi hỏi các trường đại học phải cố gắng rất nhiều. Trong lĩnh vực đào tạo, NCKH, mỗi trường đều đã hợp tác với doanh nghiệp, viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng và việc hợp tác giữa các trường đại học với nhau cũng chính là một mô hình mới. PGS.TS Lê Hải An – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất bày tỏ mong muốn mục tiêu sau buổi ký kết là bốn trường sẽ chia sẻ nguồn nhân lực, nguồn lực, tài nguyên tri thức để hướng tới hoàn thiện những sản phẩm tốt hơn phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

PGS.TS Lê Hải An – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu tại buổi lễ

GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết bốn trường nói chung và Trường ĐH Thủy lợi nói riêng đang trong quá trình tự chủ đại học và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức bên cạnh những thuận lợi về việc quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực các trường. Bốn trường đều có sự giao thoa về ngành nghề đào tạo, về nguồn nhân lực, CSVC và đặc biệt là mối thâm giao nhiều thế hệ qua. Chính vì vậy, lãnh đạo bốn trường trong thời gian qua đã trao đổi, nhìn nhận thực tế của mỗi trường, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có để từ đó tìm ra các giải pháp phát triển trong tương lai trên các lĩnh vực đào tạo, NCKH, trao đổi sinh viên, giảng viên và sử dụng hiệu quả CSVC.

GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi phát biểu tại buổi lễ

Nghi thức ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa bốn trường

Trong bản thỏa thuận này, các trường tham gia ký kết khẳng định là đối tác chiến lược của nhau, đồng thời cam kết đảm bảo hợp tác lâu dài, bền vững. Thông qua hợp tác, các thành viên sẽ hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát huy thế mạnh của mỗi thành viên trong các lĩnh vực hoạt động phù hợp với định hướng của từng thành viên để phục vụ nhu cầu xã hội. Cụ thể, các thành viên sẽ triển khai hợp tác trong các lĩnh vực: đào tạo, khoa học và công nghệ, các hoạt động hỗ trợ sinh viên, cơ sở vật chất, truyền thông, và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Về lĩnh vực đào tạo, các thành viên sẽ hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, chuyên viên, thực hiện các chương trình trao đổi giảng viên, chuyên viên để học tập kinh nghiệm giữa các thành viên; Hợp tác cùng đào tạo các môn học tương đương trong chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ giữa các thành viên; Hợp tác triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của các thành viên; Công nhận các tín chỉ tương đương trong các chương trình học phù hợp của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của mỗi bên tại các thành viên còn lại; Hợp tác thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường;  Hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo chung, triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến e-learning.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, các thành viên sẽ phối hợp xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp với lĩnh vực quan tâm chung; Thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh; Hợp tác đấu thầu thực hiện các dự án, đề tài từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương; Phối hợp đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học, công nghệ của các bên; Liên kết và chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) các đề tài, bài báo, luận án, luận văn, sách, giáo trình, tài liệu tham khảo, … để tham khảo lẫn nhau và chống đạo văn; Hợp tác chia sẻ CSDL phản biện cho các ấn phẩm của 4 trường nhằm giao lưu trao đổi và tăng cường chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong hoạt động hỗ trợ sinh viên, các thành viên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên: các hoạt động khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tình nguyện…..; Hợp tác đẩy mạnh xây dựng và phát triển các câu lạc bộ sinh viên, tổ chức hoạt động giao lưu các câu lạc bộ sinh viên của các trường; Hợp tác tăng cường các hoạt động hợp tác giữa Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của các trường.

Về cơ sở vật chất, các thành viên sẽ hợp tác khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của các trường gồm các cơ sở đào tạo, phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng hội thảo, thư viện điện tử, mượn tài liệu liên thư viện giữa các trường …

Về truyền thông, các thành viên sẽ phối hợp xây dựng mạng lưới truyền thông giữa các trường, đặt trọng tâm vào công tác truyền thông tư vấn hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh; truyền thông quảng bá hình ảnh của các thành viên.

Đối với lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục, các thành viên sẽ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng văn hóa chất lượng, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Bản thoả thuận có hiệu lực trong thời gian 5 năm kể từ ngày ký và có thể kéo dài khi có sự thống nhất của các thành viên. Bản thoả thuận được xem là nền tảng cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 4 trường thành viên.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trang Ninh – Phòng TT&TT