Hoạt động chung

Lễ cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm SATREPS và Hội thảo giao lưu trao đổi kinh nghiệm lần thứ hai giữa trường ĐH Xây dựng và ĐH Saitama, Nhật Bản

Chiều ngày 4/9/2019, Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) và Trường Đại học Saitama Nhật Bản đã tổ chức “Lễ cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm SATREPS và Hội thảo giao lưu trao đổi kinh nghiệm lần thứ hai giữa Trường ĐHXD và ĐH Saitama, Nhật Bản”.

Tham dự buổi lễ, về phía Nhật Bản có: Ông Takuya Kudo – Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản; GS. Hiroki Yamaguchi – Hiệu trường Trường ĐH Saitama; GS. Ken Kawamoto - Trưởng nhóm Dự án, Trường Đại học Saitama; Ông Jicho Murooka – Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam. Về phía Trường ĐHXD có: PGS.TS Phạm Duy Hoà - Hiệu trưởng Trường ĐHXD; PGS.TS Trần Văn Tấn – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHXD; GS.TS Phan Quang Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD cùng đại diện lãnh đạo các khoa, viện, phòng, ban, nhóm tham gia dự án và các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học phía Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Duy Hoà cho biết, dự án SATREPS là dự án ODA quan trọng được tài trợ bởi Chính Phủ Nhật Bản; Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA và được đề xuất bởi Trường Đại học Saitama và Trường ĐHXD.  Phòng Thí nghiệm SATREPS là tiền đề để các chuyên gia và sinh viên hai trường cùng phát triển các công nghệ mới nhằm áp dụng và giải quyết các vấn đề trọng tâm về chính sách quản lý, kỹ thuật cho các lĩnh vực quan trọng trong kết cấu; vật liệu và môi trường của Việt Nam và các nước đang phát triển. PGS.TS Phạm Duy Hòa tin tưởng rằng phòng thí nghiệm sẽ trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong khu vực về lĩnh vực tái chế và phát triển công nghệ mới. Bên cạnh đó, hội thảo thường niên giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa hai trường lần thứ 2 cũng diễn ra vào hôm nay là dịp quý báu để giảng viên và sinh viên hai đơn vị cùng chia sẻ nghiên cứu, giao lưu và thiết lập các quan hệ hợp tác quan trọng. Cùng với hoạt động ý nghĩa này, PGS.TS Phạm Duy Hòa tin tưởng sẽ còn nhiều hơn nữa các dự án của 2 trường trong tương lai cũng như phát triển môi trường học thuật, nghiên cứu góp phần nâng cao chuyên môn và vị thế của hai đơn vị và hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

PGS.TS Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi lễ, GS. Hiroki Yamaguchi – Hiệu trường Trường ĐH Saitama đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Trường ĐHXD và các đối tác Việt Nam vì sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình trong dự án này suốt thời gian qua. Ông Hiroki Yamaguchi cho biết, hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên là cơ hội quý giá để các chuyên gia cùng trao đổi kiến thức, không chỉ giải quyết các câu hỏi mang tính khoa học mà còn giải đáp những vấn đề liên quan đến con người, xã hội. Trường ĐH Saitama với khẩu hiệu “Kết nối tới tương lai” sẽ không chỉ giúp các sinh viên Nhật Bản và sinh viên Quốc tế có những tương tác bằng hoạt động nghiên cứu, học tập mà còn là các hoạt động liên kết giữa ĐH Saitama và Trường ĐHXD.

GS. Hiroki Yamaguchi – Hiệu trường Trường ĐH Saitama phát biểu tại buổi lễ

Các đại biểu cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm Dự án SATREPS

Phòng thí nghiệm được đặt trong tòa nhà dành cho thí nghiệm của Trường Đại học Xây dựng và được trang bị nhiều thiết bị kiểm tra và phân tích mua từ Nhật Bản trong khuôn khổ của dự án. Các hoạt động chính của phòng thí nghiệm bao gồm điều tra tình trạng phát sinh phế thải xây dựng và tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu xử lý phế thải xây dựng, phát triển các tiêu chuẩn cho vật liệu tái chế, phát triển các công nghệ khác nhau sử dụng vật liệu tái chế cũng như thử nghiệm sản xuất và tiếp thị vật liệu tái chế. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cho các đối tác Việt Nam thông qua các hoạt động thử nghiệm và nghiên cứu chung được thực hiện tại các phòng thí nghiệm cũng là một hoạt động quan trọng của dự án.

Hội thảo giữa trường Đại học Xây dựng (NUCE) và trường Đại học Saitama (SU) nhằm mở ra một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu và sinh viên trao đổi ý tưởng, thảo luận về kết quả nghiên cứu và những tiến bộ trong phát triển bền vững tại Đông Á đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 4/9/2019.

Đây là lần thứ hai hội thảo này được tổ chức trong khuôn khổ dự án SATREPS1 “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam”. Dự án này được kỳ vọng sẽ cung cấp nền tảng cho hoạt động quản lý phế thải xây dựng bền vững và thân thiện với môi trường và hệ thống tái chế của thành phố Hà Nội thông qua việc ứng dụng các công nghệ và kinh nghiệm của Nhật Bản, là đất nước có tỷ lệ tái chế phế thải xây dựng đạt trên 95% .

Hội thảo trao đổi về các hoạt động hợp tác quốc tế giữa hai trường đại học cùng những bài thuyết trình, các phiên thảo luận tích cực của các nhà nghiên cứu và sinh viên trên nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật dân dụng và môi trường đến khoa học xã hội.

Dự án SATREPS “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng (PTXD) hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” đã được Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản chấp thuận. Đây là dự án được đề xuất và xây dựng trong 3 năm và sau khi chính thức khởi động, dự án sẽ được tiến hành trong vòng 5 năm từ tháng 2/2018 - tháng 2/2023.

Dự án SATREPS được đề xuất bởi Trường Đại học Xây dựng Việt Nam và trường Đại học Saitama Nhật Bản, cùng với sự phối hợp của các đối tác quan trọng của hai nước như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện nghiên cứu môi trường Nhật Bản, Trung tâm nghiên cứu Saitama đã được Chính phủ hai nước chấp thuận.

Trong 5 năm tới, các cán bộ, chuyên gia của trường Đại học Xây dựng sẽ cùng các chuyên gia quốc tế nghiên cứu về một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết đối với Việt Nam, đó là quản lý PTXD và tái chế các phế thải này để tạo ra các vật liệu mới nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Dự án bao gồm 4 hoạt động chính: Xây dựng hướng dẫn quản lý PTXD thân thiện với môi trường; Xây dựng các tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật để đánh giá và quản lý chất lượng vật liệu tái chế từ PTXD; Phát triển công nghệ mới nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và xây dựng hạ tầng từ các vật liệu tái chế ở Việt Nam; Đề xuất mô hình kinh doanh để thúc đẩy tái chế từ PTXD và tăng cường hiệu quả thực tế cho quản lý và tái chế PTXD thân thiện với môi trường.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 Trang Ninh – Phòng TT&TT