Hoạt động chung

Kiến trúc hạnh phúc, kiến trúc bản địa hiện đại Việt Nam được chia sẻ trong khối các trường IVY danh giá

Nhận lời mời của GS Deborah Berke - Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc thuộc Đại học Yale và GS Leslie Lok - Đại học Cornell, (hai trong số tám trường Ivy league danh giá của nước Mỹ và thế giới); KTS Hoàng Thúc Hào, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, sáng lập Văn phòng Kiến trúc 1+1>2, đã có những bài giảng về hai chủ đề: Kiến trúc hạnh phúc và Kiến trúc bản địa hiện đại.

Trường đại học Kiến trúc thuộc Đại học Yale, nơi KTS. Hoàng Thúc Hào đã có buổi chia sẻ của mình về Kiến trúc hạnh phúc và Kiến trúc bản địa hiện đại.

KTS. Hoàng Thúc Hào là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên dành Giải SIA-GETZ 2016 cho kiến trúc sư nổi bật Châu Á, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên được trao 02 giải thưởng lớn (tổ chức 3 năm 1 lần): The Vassilis Sgoutas Prize for Implemented Architecture Serving the Impoverished 2017 & The Robert Matthew Prize for Sustainable and Humane Environments 2023 của Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA).

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và triết lý kiến trúc Hạnh Phúc

UIA cho biết: " KTS.Hoàng Thúc Hào đặc biệt chú trọng các khu vực nông thôn, những cộng đồng nghèo, nêu bật vai trò của kiến trúc sư trong quá trình kiến thiết, đổi mới xã hội. Hiểu sâu sắc và thích ứng điều kiện địa phương, ông đã có những sáng tạo tiên phong. Người dân tham gia và là phần không thể thiếu của quá trình xây dựng, được trao quyền trong việc cải thiện chính môi trường sống của họ. Kiến trúc sư không chỉ hướng đến tính bền vững trong xây dựng, quan trọng hơn, Kiến trúc sư tôn trọng và phát triển giá trị văn hóa trong các tác phẩm của mình - một khía cạnh thường bị bỏ quên ở các nền kinh tế đang phát triển."…

Buổi họp trao đổi với các giáo sư, giảng viên và sinh viên của Trường đại học Kiến trúc thuộc Đại học Yale

Tại dịp thỉnh giảng này, KTS Hoàng Thúc Hào được chào đón rất nồng nhiệt và thân tình, các sinh viên, giáo sư và kiến trúc sư tại Mỹ ấn tượng với những triết lý, những công trình mà ông và cộng sự đã thiết kế và xây dựng. Không chỉ ấn tượng mà họ còn rất ngạc nhiên và khâm phục khả năng dấn thân vượt qua nhiều khó khăn vất vả trong những điều kiện kinh tế eo hẹp, một khối lượng khổng lồ các công trình điểm trường, các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng… của Kiến trúc sư đã mọc lên, góp phần kiến tạo hạnh phúc và bình an cho những trẻ em hay những nhóm người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Với những triết lý của mình, KTS Hoàng Thúc Hào một lần nữa khẳng định kiến trúc nhằm đem lại hạnh phúc cho con người, khai thác các yểu tố tinh thần nơi chốn để tạo ra kiến trúc bản địa hiện đại là những hướng đi rất đúng đắn trong bối cảnh đô thị hoá và toàn cầu hóa rất nhanh và mạnh ở các nước đang phát triển. Những bài chia sẻ của Kiến trúc sư trên đất Mỹ phần nào giúp các kiến trúc sư trẻ Việt Nam tự tin hơn trong định hướng xây dựng kiến trúc tiên tiến, hội nhập thế giới trên nền tảng phát huy bản sắc địa phương.

KTS. Hoàng Thúc Hào trong buổi chia sẻ về Kiến trúc hạnh phúc và Kiến trúc bản địa hiện đại và giao lưu cùng các sinh viên.

Link sự kiện: https://www.architecture.yale.edu/calendar/652-1-1-2-happiness-architecture

Phòng Truyền thông & Tuyển sinh