Hoạt động chung

Họp tổng kết của Hội đồng Giám sát Dự án SATREPS “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam”

Sáng ngày 26/12/2023, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tổ chức thành công buổi họp của Hội đồng giám sát (JCC) để tổng kết Dự án ATREPS “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ (JST) Nhật Bản tài trợ giai đoạn từ tháng 02/2018 – 01/2024.

Toàn cảnh buổi họp

Tham dự tại đầu cầu Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có: Ông Yoshitomo Kubo, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Giám đốc Dự án; TS. Trần Hoài Anh - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng; TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; GS. Ken Kawamoto - Đại học Saitama, Đồng Giám đốc Dự án; GS. Tetsuo Konaka - Đại học Saitama, Nguyên Trưởng Đại diện JICA Việt Nam cùng các cán bộ đến từ JICA Việt Nam và Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng và các thành viên, nghiên cứu sinh của Dự án đến từ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cán bộ đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô Thị Hà Nội.

Các điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản và Việt Nam có: GS. Yukari TAKAMURA - Giám sát nghiên cứu, Đại học Tokyo, Phụ trách Chương trình SATREPS, Cơ quan khoa học và công nghệ Nhật Bản cùng các chuyên gia của JST, JICA, Trung tâm Khoa học Môi trường tỉnh Saitama (CESS) và Sở Xây dựng Quảng Ninh.

 

Phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng

Tại buổi họp, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang đã cảm ơn sự phối hợp và hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản trong suốt 6 năm qua. Các kết quả của Dự án cũng được các chuyên gia Nhật Bản, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng đánh giá cao và ghi nhận. Các kết quả nghiên cứu của Dự án đang dần được áp dụng trong cuộc sống, giúp tăng cường quản lý hiệu quả chất thải rắn xây dựng (CTRXD) tại các địa phương của Việt Nam theo hướng kinh tế tuần hoàn; các sản phẩm khoa học công nghệ phát triển từ CTRXD tái chế đã và đang được ứng dụng vào các công trình xây dựng thực tế mang lại hiệu quả kinh tế và bền vững. Đặc biệt, nhận thức về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm tái chế từ CTRXD của cộng đồng dân cư tại Việt Nam cũng đang dần thay đổi.

Theo ông Yoshitomo Kubo - Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam: Cuộc họp JCC để đánh giá các hoạt động, kết quả đầu ra và các vấn đề liên quan khác trong suốt 6 năm triển khai dự án. Bốn kết quả chính của dự án góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) như: Hoàn thiện hướng dẫn về hệ thống quản lý CTRXD; Xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia để đánh giá việc kiểm soát chất lượng và vật liệu tái chế từ CTRXD; Áp dụng các biện pháp mới công nghệ kiểm soát ô nhiễm môi trường; Phát triển mô hình kinh doanh chiến lược để thúc đẩy khái niệm CTRXD.

Phát biểu của ông Yoshitomo Kubo, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam

Hy vọng rằng, các kết quả của Dự án Sẽ tiếp tục phát triển bền vững thông qua mô hình hợp tác kinh doanh hiệu quả dựa trên những chỉ dẫn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia TCVN đã được cơ quan quản lý nhà nước ban hành cho CTRXD.

Một số hình ảnh của buổi họp:

 

Các đại biểu tham dự

Báo cáo của Đồng Giám đốc dự án GS. Ken Kawamoto, Đại học Saitama

 

Báo cáo của Trưởng nhóm Hoạt động 3: PGS.TS. Tổng Tôn Kiên -Phó Giám đốc dự án

 

Báo cáo của Trưởng nhóm Hoạt động 1: PGS.TS. Trần Thị Việt Nga

Báo cáo của Trưởng nhóm Hoạt động 2: GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: Phòng Hợp tác Quốc tế