Hoạt động chung

Hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030

Ngày 19/8/2022, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) cùng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bô GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; ngài Chay Navuth – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam; ngài Khamphan Khamone – Tham tán Văn hóa, Giáo dục nước CHDCND Lào tại Việt Nam; PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đơn vị đăng cai tổ chức cùng đại biểu đại diện các Bộ, Ban Ngành Trung ương; đại diện các cơ sở giáo dục đại học; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực của các cơ sở GDĐH trong công tác đào tạo, tiếp nhận và quản lý LHS nước ngoài giai đoạn 2016-2021. Đồng thời gửi lời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ và hợp tác của các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương đối với hoạt động giáo dục quốc tế trong giai đoạn vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng và đã đem lại những thành tựu đáng kể trong việc hiện đại hóa, quốc tế hóa, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó công tác đào tạo quốc tế được xem là một trong những nội dung chiến lược. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nói chung và công tác đào tạo quốc tế nói riêng, các điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận hợp tác về giáo dục và đào tạo đều có nội dung cụ thể về khuyến khích việc trao đổi, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài sang học tập tại Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam hằng năm dành hàng ngàn suất học bổng để hỗ trợ đào tạo cho các sinh viên nước ngoài. Bộ GD&ĐT đã tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách về phát triển giáo dục quốc tế, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ quảng bá giáo dục Việt Nam với thế giới, qua đó thúc đẩy việc thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập. Lưu học sinh (LHS) nước ngoài được các cơ sở GDĐH Việt Nam quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo thuận lợi về học tập và sinh hoạt, giúp các LHS nhanh chóng hòa nhập.

Thứ trưởng đề nghị, trong giai đoạn 2022-2030, về phía Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan cần rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam, trong đó có các chính sách về visa, bảo hiểm y tế, học bổng cho LHS nước ngoài. Tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên tạo khung pháp lý thúc đẩy việc thu hút LHS nước ngoài đến học tập tại Việt Nam. Tăng cường quảng bá hình ảnh GDĐH Việt Nam, các cơ sở GDĐH và các chương trình đào tạo của Việt Nam ra thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc mong muốn lãnh đạo các cơ sở đào tạo quan tâm đến công tác lưu học sinh, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, phát triển thêm nhiều chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo liên kết, phù hợp với nhu cầu người học, đa dạng ngôn ngữ giảng dạy, trong đó, ưu tiên các chương trình bằng tiếng Anh; nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập, sinh hoạt tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài. Chiến lược chung của các trường cần nhấn mạnh chất lượng đào tạo, coi trọng giao lưu văn hóa, phát triển tình hữu nghị với các nước.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thay mặt cho lãnh đạo Trường ĐHXDHN, đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị, PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng  Nhà trường bày tỏ niềm vinh dự khi được Bộ GD&ĐT tin tưởng giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030. Hội nghị cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước có cơ hội cùng nhau giao lưu, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tiêp nhận, đào tạo LHS. PGS.TS Phạm Xuân Anh chia sẻ, hiện tại Trường ĐHXDHN đang tiếp nhận hơn 200 LHS với tất cả các trình độ đào tạo, với sứ mệnh đào tạo của mình, Nhà trường luôn chủ trương và quan tâm đối với các bạn sinh viên quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để tiếp cận với chuẩn quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế đến học tại trường, luôn sát cánh bên các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quốc tế để giúp các bạn có thể vượt qua các khó khăn trong học tập cũng như sinh hoạt tại Việt Nam.

PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXDHN phát biểu chào mừng hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ngài Chay Navuth – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam bày tỏ lòng cảm ơn Việt Nam sâu sắc vì đã dành sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cho Campuchia, Lào. Việt Nam không chỉ đào tạo về chuyên môn mà còn kết nối tình đoàn kết, hữu nghị giữa 3 nước láng giềng thông qua công tác đào tạo giáo dục. Ngài Chay Nuvuth mong muốn Việt Nam cũng như các cơ sở GDĐH tại Việt Nam tiếp tục đề ra những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lưu học sinh tại Việt Nam.

Ngài Chay Navuth – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT), LHS nước ngoài sang học tập tại Việt Nam được chia thành 2 diện: Hiệp định và ngoài Hiệp định. Các hình thức đào tạo LHS nước ngoài gồm đào tạo dài hạn (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ); liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDĐH Việt Nam và nước ngoài; đào tạo ngắn hạn. Hiện nay, đa phần LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam bằng tiếng Việt (đặc biệt là các chương trình dài hạn), một phần học bằng tiếng Anh và một số lượng nhỏ học bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, có 18 thỏa thuận và điều ước quốc tế có hiệu lực làm căn cứ cho việc tiếp nhận LHS nước ngoài diện Hiệp định. Theo đó, bình quân mỗi năm phía Việt Nam tiếp nhận khoảng 2 nghìn LHS nước ngoài diện Hiệp định tùy thuộc vào kế hoạch cụ thể từng năm và số lượng thực tế phía đối tác gửi sang.

155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo 45 nghìn LHS nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 12 nghìn LHS Hiệp định (chiếm 26,6% tổng số LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam), 33 nghìn LHS ngoài Hiệp định (chiếm 73,4%). Trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 LHS được tiếp nhận mới vào Việt Nam (năm 2019 đông nhất với trên 6.300).

Giai đoạn 2016-2021, LHS nước ngoài học tập tại khoảng 150 cơ sở GDĐH, nhiều cơ sở GDĐH hàng đầu của Việt Nam, từ đó tạo lập môi trường học tập đa văn hóa, góp phần thúc đẩy quốc tế hóa GDĐH. Việc tổ chức đào tạo chuyên môn trình độ đại học cho LHS nước ngoài được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. LHS nước ngoài được tổ chức đào tạo bình thường như đối với sinh viên trong nước. Trong quá trình học chuyên ngành, nhiều cơ sở GDĐH tiếp tục tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt nâng cao cho các LHS, tìm nguồn hỗ trợ học phí, học bổng cho LHS.

Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến tham luận cụ thể, thiết thực từ các cơ sở giáo dục đại học. Theo đề xuất của các trường, trong giai đoạn sắp tới, để tiếp tục thu hút sinh viên quốc tế, nhà nước cần có quy định thông thoáng hơn về bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh cho người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quốc tế được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế của Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần khôi phục và cải thiện hệ thống phần mềm quản lý sinh viên quốc tế để thống nhất cơ sở dữ liệu về sinh viên quốc tế trong cả nước.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2016 - 2021, công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý LHS nước ngoài trong các cơ sở GDĐH đã có nhiều đóng góp: Góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH, là động lực để các trường tích cực đổi mới chương trình đào tạo; Góp phần tạo thêm nguồn thu cho các cơ sở GDĐH; Tạo lập môi trường học tập đa văn hóa, thúc đẩy quá trình quốc tế hoá GDĐH, đưa giáo dục Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam.

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD&ĐT xác định hai mục tiêu cụ thể trong phạm vi công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý LHS nước ngoài.

  • Thứ nhất, góp phần nâng cao chất lượng và quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế.
  • Thứ hai, đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Phấn đấu đạt chỉ số sinh viên quốc tế là 1,2 vào năm 2025 và 1,7 vào năm 2030.

“Chiến lược chung của các trường nhấn mạnh chất lượng đào tạo và coi trọng giao lưu văn hoá, phát triển tình hữu nghị với các nước. Nếu các trường thực sự quan tâm đầu tư, định hướng rõ ràng thì sẽ làm rất tốt công tác đào tạo LHS nước ngoài, góp phần vào thành công chung giáo dục đại học Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tin tưởng.

Đoàn đại biểu tham gia hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Phạm Nhung – Phòng TT&TS