Hoạt động chung

Hội nghị tập huấn đổi mới chương trình đào tạo đại học theo CDIO

Thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động của Đề án xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo CDIO, ngày 21/02/2017, Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) tổ chức Hội nghị Tập huấn đổi mới chương trình đào tạo đại học theo CDIO.

Tham dự hội nghị có: PGS.TS Phạm Duy Hoà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHXD, các đồng chí trong Đảng uỷ, Ban Giám hiệu; Trưởng, Phó các đơn vị Khoa, Phòng, Ban, Bộ môn; Toàn thể cán bộ giảng dạy; Cán bộ, chuyên viên Phòng, Ban chức năng; Đại diện Hội đồng tư vấn, Hội Cựu giáo chức, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên.

Tại hội nghị, trực tiếp tập huấn về đổi mới chương trình đào tạo đại học theo CDIO là chuyên gia đến từ Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: TS. Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Phạm Duy Hoà - Hiệu trưởng Trường ĐHXD nêu rõ, Trường ĐHXD trong thời gian qua đã thực hiện một loạt các hoạt động đó là: Nâng cấp cơ sở vật chất; Thúc đẩy phát triển KHCN;  Thực hiện kiểm định Trường; và Cải cách công tác tổ chức hành chính nhằm tạo ra nguồn lực để triển khai công tác Xây dựng chương trình đào tạo mới. Thầy Hiệu trưởng nhấn mạnh, đổi mới chương trình đào tạo được xác định là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm hướng đến mục tiêu phát triển nhà trường trên nền tảng tự chủ. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tổ chức một chuỗi các hội thảo, hội nghị, sinh hoạt chuyên đề liên quan đến CDIO.  Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Duy Hoà bảy tỏ niềm vui mừng khi hoạt động này không chỉ nhận được sự quan tâm của các CBVC đang công tác trong nhà trường mà còn nhận được sự ủng hộ và đồng hành từ thế hệ CBVC đã nghỉ hưu như GS. Trần Ngọc Chấn – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường ĐHXD, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh – Nguyên Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn trường. PGS.TS Phạm Duy Hòa hi vọng, toàn thể CBVC, giảng viên Trường ĐHXD sẽ giữ vững niềm tin vào kết quả mà chúng ta sẽ đạt được khi thực hiện đổi mới chương trình đào tạo để vượt qua những thách thức phía trước. Thay mặt Ban lãnh đạo Trường ĐHXD, PGS.TS Phạm Duy Hòa gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và đặc biệt là cảm ơn TS. Nguyễn Quốc Chính đã bớt chút thời gian đến dự Hội nghị để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về CDIO.

PGS.TS Phạm Duy Hoà - Hiệu trưởng Trường ĐHXD phát biểu khai mạc

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã trình bày những nội dung tổng quan về CDIO, chia sẻ kinh nghiệm về làm chương trình đào tạo theo CDIO của Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam thực hiện việc này trong 6 năm qua.

TS. Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phổ biến nội dung tập huấn

Toàn cảnh hội trường buổi tập huấn

Trường Đại học Xây dựng xây dựng Chương trình đào tạo mới theo CDIO

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Xây dựng đã triển khai xây dựng Chương trình đào tạo (CTĐT) mới với 27 ngành theo CDIO (viết tắt của Conceive - Design - Implement - Operate).

          Với triết lý đào tạo của Nhà trường là tạo ra đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư có năng lực Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Thực hiện - Vận hành các sản phẩm, quy trình, hệ thống kỹ thuật phức hợp, có giá trị gia tăng trong môi trường làm việc hiện đại dựa trên cách thức làm việc nhóm.

          Căn cứ vào đề cương, 12 tiêu chuẩn và thang đánh giá của CDIO, CTĐT mới được xây dựng dựa trên 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản: 1/ Xây dựng CTĐT mới theo CDIO; 2/ Đảm bảo không gian thực hành CDIO/ nghề nghiệp; 3/ Đổi mới giảng dạy và đánh giá học tập theo CDIO; 4/ Tăng cường năng lực giảng viên để thực hiện CTĐT theo CDIO; 5/ Đánh giá CTĐT theo CDIO; 6/ Các hoạt động hỗ trợ triển khai và áp dụng CDIO.

          Với lợi thế xây dựng CTĐT hoàn toàn mới bên cạnh CTĐT cũ vẫn tiếp tục đào tạo đồng thời kế thừa kinh nghiệm hơn 60 năm đào tạo với đội ngũ cán bộ giảng dạy giàu kinh nghiệm, yêu nghề và chủ yếu được đào tạo bài bản từ các trường đại học có uy tín trên thế giới thực hiện cũng như sự quyết tâm đổi mới của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ giảng dạy, dự kiến trong thời gian 5 năm (từ năm 2017 - 2021), Trường Đại học Xây dựng sẽ hoàn thành toàn bộ quy trình thực hiện xây dựng CTĐT mới theo CDIO, đến năm 2018 sẽ cơ bản thực hiện xong CTĐT và chọn một số ngành Nhà trường có lợi thế tuyển sinh đào tạo, từ đó tổng kết đánh giá làm cơ sở để tiếp tục phát triển mở rộng ra các ngành đào tạo khác./.

Trang Ninh – Phòng TT&TT