50 năm - ngày thống nhất non sông. Các anh em, bè bạn cùng lên đường nhập ngũ ngày ấy không về. Đây cũng là dịp để chúng ta “mở lòng” thay nén tâm nhang tri ân các liệt sĩ, thương bệnh binh, các đồng đội đã hy sinh cho chúng tôi được sống, chứng kiến ngày đất nước rực rỡ cờ hoa …
Chúng ta là những nhân chứng sống về:
“Một thế hệ các giáo viên, sinh viên gác bút nghiên lên đường ra trận - của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (Trường ĐHXD HN)”!
Phần I.
Trong những trang vàng “Lịch sử và truyền thống vẻ vang” của Hội Cựu chiến binh (CCB), chúng ta luôn nhớ và ghi ơn về các thầy của thế hệ cha anh. Hội CCB trường ĐHXD HN thành lập ngày 15-12-1999 đến nay đã 25 năm. Chủ tịch danh dự của Hội là cố NGND Nguyễn Sanh Dạn - người Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Năm 1947, ông nguyên là Giám đốc Nha Kỹ thuật công binh Việt Bắc, kiêm Chủ nhiệm khoa ở Trường sỹ quan công binh - Bộ Quốc phòng (BQP). Tháng 11/1954, cùng với KTS. Nguyễn Văn Ninh, Kỹ sư công chính Nguyễn Sanh Dạn là người chủ trì tính toán kết cấu, Trưởng ban tổ chức thi công Lễ đài Ba Đình, để Bác Hồ và Chính phủ ra mắt quốc dân, chúc tết đồng bào vào sáng ngày 01/01/1955.
Chủ tịch Hội CCB nhiệm kỳ đầu tiên (1999-2001) là cố NGND.GS.TS. Nguyễn Văn Chọn, trước ở Cục Thiết kế - TC Hậu cần, BQP - Là cựu Hiệu trưởng Trường ĐHXD HN.
Nhà giáo - Đại tá Lê Tâm (tức Nguyễn Hy Hiền) - nguyên là Cục trưởng Cục Quân giới Nam Bộ (1949), cũng là người thầy đầu tiên Chủ nhiệm Khoa Xây dựng. Ông là người sáng chế ra vũ khí “bắn đạn lõm”, súng SS-AT dựa trên nguyên lý tạo ra luồng khí nóng tới 3000 độ C, áp suất lớn, xuyên thủng vỏ xe tăng, xe bọc thép, tầu thuỷ của Pháp.
Vào những năm 1970, 1971, 1972 từ các Trường ĐH ở Hà Nội có hơn 10 nghìn lính - sinh viên (LSV) xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ - Bản anh hùng ca của một thế hệ dấn thân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trường ĐHXD HN đã đóng góp trên 1500 SV.
Các CCB - LSV ĐHXD HN nhập ngũ 13-9-1972 gặp mặt sau 50 năm ngày trở về trường (13-9-2022)
Ở quận Hai Bà Trưng có con đường mang tên “Bùi Ngọc Dương”- Đó là AHLLVT ND - Liệt sĩ Bùi Ngọc Dương - cựu sinh viên K7 Khoa Cầu đường hy sinh năm 1968 tại Làng Vây, Thị trấn Khe Sanh, Quảng Trị.
Ở Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch “81 ngày đêm”, có “Bức thư gửi tới mai sau” (còn gọi là “bức thư từ lòng đất”). Đó là kỷ vật của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh - cựu sinh viên K13 Khoa Cầu đường. Anh nhập ngũ 27-5-1972, hy sinh 2-1-1973 tại Quảng Trị. Bức thư đề ngày 11-9-1972, trước ngày anh mất gần 4 tháng. Đặc biệt trong bức thư của người LSV hào hoa đã chỉ dẫn cho người nhà đường đi đến nơi an táng mình. Một trong những hình ảnh đẹp về người LSV của thế hệ vàng Hồ Chí Minh, rất thanh thản khi xác định sẽ hy sinh. Anh cũng rất nhân văn khi nghĩ về tương lai của người vợ; “Nếu có điều kiện hãy cứ bước đi bước nữa, vì đời em còn trẻ lắm”.
Trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988, có 64 chiến sĩ hy sinh. Trong số đó có Liệt sĩ Thượng uý Nguyễn Minh Tâm - Trợ lý Trung đoàn công binh 83, nguyên là lớp trưởng lớp 24 Cảng - Đường thuỷ. Hàng năm, ông bạn lính Hải quân cùng lớp - Đại tá Hoàng Duy Lập - cựu Trung đoàn trưởng công binh 83 lại từ Sơn Trà, Đà Nẵng ra Khánh Hoà đăng đàn chủ trì lễ giỗ các liệt sĩ.
Trước ngày lên đường nhập ngũ, tôi là sinh viên năm thứ 4 của ĐHXD HN. Là trường ĐH duy nhất bị bom Mỹ tàn phá. Chứng kiến 63 thầy giáo, sinh viên và CBCNV đã bị mất. Hiện nay vẫn còn có nghĩa trang riêng của trường tại Hương Canh, Vĩnh Phúc. Ngay sau ngày 10-9-1972 trường bị đánh bom, chúng tôi nhập ngũ gồm 146 thầy giáo và SV các khoá 13, 14, 15,16; biên chế về C2, D74, F304b QK Việt Bắc. Rời Hương Canh lên đất Thái Nguyên, với những địa danh nghe vừa quen, vừa lạ: Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Yên Thế vào những ngày đông.
“Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng đèo Khế gió sang…”
Các bạn cùng lớp - các đồng đội LSV nhập ngũ cùng đợt, cùng vượt Trường Sơn và Đồng Tháp Mười về với miền nước nổi Tây Nam Bộ. Các bạn tôi gửi lại “giấc mơ đẹp mãi nơi giảng đường đại học”
Tháng 1-1973 làm lễ xuất quân “Nam tiến”. Khi chuyến tàu đi qua ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), những lá thư từ các toa thả xuống trắng đường. Ngoài bì thư chỉ ghi vội dòng chữ: “Nhờ ai nhặt được thư này, xin chuyển giúp tới số nhà … hoặc gửi vào bưu điện…” Chỉ là hy vọng, là niềm tin, nhưng vẫn: “Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu ơi!”. Đón tết Quý Sửu trên đường hành quân. Cái tết lần đầu tiên xa nhà giữa rừng Trường Sơn xanh bạt ngàn trong tiếng suối reo, vượn hú. Trên con đường thiên lý ấy, vượt “Đông Trường Sơn \ Tây Trường Sơn”, theo đường dây 559 qua Lào, đường dây 365 qua CamPuChia … Đoàn được chia hai hướng: về miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Với chúng tôi, trạm cuối dừng chân ở biên giới Việt - CPC. Được biên chế về Trung đoàn 207, vượt Đồng Tháp Mười lần 1 bị “đổ chụp”, phải tổ chức vượt lần 2 … Sau đó, được phân về Trung đoàn 24 - QK8 rong ruổi khắp miền Tây Nam Bộ, cho đến ngày kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cuộc chiến đã qua đi, cứ nghĩ tất cả đã trôi về miền ký ức, nhưng mấy chục năm sau nỗi đau về sự hy sinh của đồng đội được xới lại … Từ một bài báo: “Miếu Bắc Bỏ và những ông Thành Hoàng làng đội mũ cối” của Nguyễn Hoài Nam trong chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội”. Sau 38 năm, tháng 8-2011 đồng đội chúng tôi đã trở lại nơi diễn ra trận chiến khốc liệt ngày 3-10-1973 (tức ngày 8/9 năm Quý Sửu). Tại huyện Mộc Hoá, Long An, do địa hình phức tạp, bị tập kích bất ngờ, dưới hoả lực quá mạnh của địch, gần 300 chiến sĩ đã hy sinh phần lớn là SV ĐHXD HN và các trường đại học khác. Nơi đây, cũng chính là địa hình được tái hiện lại trong bộ phim “Cánh đồng hoang”, …
Phần II. Cuộc chiến bên sông Vàm Cỏ Tây …
Như tiếng vọng nơi rừng tràm Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, gọi đồng đội về với chiến trường xưa. Ngày ấy, trung đoàn 207-QK8 chủ yếu là các tân binh - SV, chưa quen với địa hình sông nước. Đơn vị đóng quân giáp biên giới, tại Mỏ Vẹt, thuộc tỉnh Svây Riêng, Campuchia. Nhận nhiệm vụ luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười, vùng 4 chiến thuật của nguỵ (thuộc Kiến Phong, Kiến Tường, Long An, Mỹ Tho, …); bí mật vượt sông Vàm Cỏ Tây đến ấp Đá Biên, huyện Mộc Hoá (nay là Thạnh Hoá), Long An thì trời sáng, phải ém quân ở rừng tràm non. Suốt một đêm hành quân giữa đồng ngập nước, có chỗ đến cổ, rẽ cỏ lác để đi, mệt mỏi rã rời. Rừng tràm thưa cây nhỏ, không dấu được quân. Chúng tôi giăng võng, mỗi đầu túm 2-3 cây tràm, nhưng khi nằm thì võng phàn mông vẫn chìm trong nước. Sáng ra bị máy bay địch phát hiện. Mở màn là trận mưa pháo từ các chốt ở nhiều nơi dội đến. Những cột nước tung lên cao trắng xoá khắp cánh đồng. Sau đó 12 trực thăng bắn xối xả, vãi đạn rốc két xuống đội hình, chúng tôi như “cá nằm trên thớt”! Đội hình xe tăng M113 từ lộ 4 dàn hàng ngang hòng bắt sống sở chỉ huy trung đoàn. Trên sông Vàm Cỏ Tây nhiều tàu địch quây vào. Chúng tôi chỉ biết ngụp lặn dưới bom đạn. Có đồng đội bị địch phát hiện, bắn đạn xung quanh bắt phải leo lên thang dây từ máy bay thả xuống. Đêm về, là tiếng gọi “chiêu hồi” của đội ngũ “thiên nga” từ trên máy bay phát loa: “Các anh hãy về đi, về với cha mẹ và gia đình. Đêm nay ở đây lạnh lắm, các anh ơi!”. Sau 12 ngày đêm bị trực thăng địch quần đảo, đội trinh sát cùng du kích địa phương mới vào tìm đồng đội. Giữa cánh đồng mênh mông ngập nước, xác các anh nổi lên, đồng đội phải dùng màn để vớt. Không có đất mai táng, nên phải dùng nilong, võng bó lại treo lên, buộc chặt vào thân cây tràm, đợi mùa khô đồng bào chôn giúp … Sau hơn một tuần, tôi may mắn trong số rất ít đồng đội được trinh sát đón về; xung quanh mũi có vòng tròn như bị “hắc lào” do “chém vè”, hở mũi lên để thở … Cái may hơn như có “quý nhân phù trợ”, người lính già dẫn quân chỉ cho tôi biết cái “chấm đen” xa xa, đó là hướng núi Bà Đen để thoát được về cứ.
Trung đội tiến công và tiếp quản “Bộ Tư lệnh cảnh sát Sài Gòn- Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn” sáng 30-4-1975 (Thuộc C20-E24 - đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu AHLLVTND)
Sau một tháng chỉnh quân, bổ sung tân binh mới, thay chỉ huy, chúng tôi lại tiếp tục vượt Đồng Tháp Mười. Những năm tháng sau đó, tôi biên chế về E24 - QK8, gắn bó với mùa nước nổi của Mặt trận miền Tây Nam Bộ. Mở đầu chiến dịch, các E24, E207, E320 trong đội hình sư đoàn BB8, đã có trận đánh phối hợp tấn công Yếu khu Ngã 6 Bằng Lăng thuộc xã Mỹ Trung, Cái Bè, Mỹ Tho. BTL Quân khu giao E24 là chủ công đánh vào mục tiêu chủ yếu, E207 chặn viện từ Hậu Mỹ Bắc xuống và là thê đội dự bị, E320 chặn viện từ hướng Đông. Trong chiến dịch HCM, theo cánh quân hướng Tây Nam, đêm 29/4 đơn vị tôi chốt ở cửa ngõ Sài Gòn, khu vực chân cầu chữ Y. Sáng 30-4-1975, tiến công đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia - Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn. Trong giờ phút sinh tử ấy, trong suy nghĩ mỗi người lính chúng tôi loé lên tia hy vọng “Sống rồi” Những ánh mắt chớp nhanh nhìn nhau trong hạnh phúc, nhưng rồi lại lảng tránh. Vì điều gì cũng có thể xảy ra khi chiến trường vẫn còn vọng lại tiếng đạn nổ.
Phần III. Tình quân dân - những tấm lòng tri ân …
Về câu chuyện “Miếu Bắc bỏ và những ông Thành Hoàng làng đội mũ cối”, qua đó chúng tôi mới biết được địa danh nơi trận chiến diễn ra. Một đoàn của gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Tế (K15- Kiến trúc) và đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Như vô tình khi biết giữa mênh mông vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, có một ấp không ai dám nói dối với “Miếu Bắc bỏ”.
Xa xa … vạt tràm xanh biếc giữa đồng nước mênh mang - nơi ấy các anh nằm …! (Lần giỗ thứ 38 – 2011).
Đường vào Đá Biên - Thạnh Hoá - Long An như phim huyền thoại, đẹp đến nao lòng … (mùa nước nổi – 2012)
Từ cầu 79 (xây dựng năm 1979) đi ghe, vỏ lãi vào chừng 30-40 phút, là gò đất nhỏ nhô lên giữa trời nước bao la, những cây tràm phủ kín, xung quanh là ghe thuyền của dân đậu san sát. Một chòi nhỏ lợp tôn, che chắn đơn sơ, giữa chòi là tấm bia không tô trát treo lá cờ đỏ sao vàng. Dưới là bát nhang, ly, đĩa … Nền xi măng với dòng chữ sai chính tả: “HY SINH GÌ (VÌ) TỔ QUỐC” (theo cách đọc). Tại sao gọi là “Miếu Bắc bỏ”, người dân nói Miếu do người địa phương lập ra, thờ các anh lính trẻ miền Bắc đã hy sinh bỏ lại nơi đây rất linh thiêng.
Miếu Bắc Bỏ” hoá dương bát nhang khi đồng đội về tri ân các Liệt sĩ
Chuyện về “Miếu Bắc bỏ” còn dài, có cả yếu tố tâm linh… Sau trận chiến gần 20 năm, người dân về đây lập ấp. Gặp nhiều hài cốt bộ đội, người dân đã gom lại được nhiều hòm chôn chung tại nghĩa trang Mộc Hoá - Kiến Tường, Long An, một Ngôi mộ tập thể của “291 Liệt sĩ Trung đoàn 207”. Còn ở ấp Đá Biên, hai vợ chồng người nông dân Tư Tờ đã lập nên miếu thờ cúng các liệt sĩ; cầu cho con cái khỏi bệnh, người dân được mùa. Dân tôn các Anh như “Thần Hoàng làng” và lấy ngày 8/9 AL hàng năm là ngày giỗ các liệt sĩ và cũng là ngày hội làng.
38 năm sau, khi bài báo lên các trang mạng XH, lên các đài TH địa phương, rồi VTV6, ... Thương tiếc các đồng đội bị lãng quên mấy chục năm sau chiến tranh, bởi sau đó E207 giải thể, QK8 sát nhập với QK9, Kiến Tường nhập vào tỉnh Long An, Long An lại nhập vào QK7. Ban LL E207, Trường ĐHXD HN kêu gọi các đồng đội & thân nhân các gia đình liệt sĩ hãy chung tay để xây dựng ngôi đền thờ. Dân hiến đất, đồng đội, bạn bè lập Dự án (DA), chính quyền địa phương cấp đất phê duyệt DA; đặc biệt Ngân hàng Vietinbank hỗ trợ 5 tỷ đồng, ... Chưa đầy một năm sau, lần giỗ thứ 39 (2012) Khu tưởng niệm các LS E207 được khánh thành, với đầy đủ danh sách các liệt sĩ đã hy sinh. Năm 2016, các thế hệ cán bộ và sinh viên Trường ĐHXD HN tri ân, lại đóng góp trên 2 tỷ đồng, xây dựng “Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Trung đoàn 207”. Cùng với động viên của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một công ty dược phía Nam đã đóng góp 3 tỷ đồng; Trường ĐHXDHN quyên góp trên 2 tỷ đồng, tiếp tục xây dựng “Cầu Trung đoàn 207” qua kênh 79 (còn gọi là kênh Võ Văn Kiệt), trị giá trên 5 tỷ đồng và mở rộng khu tưởng niệm trong dịp 50 năm ngày giỗ các Anh (2023).
Các CCB - những người lính - sinh vên năm xưa bên Đài tưởng niệm các đồng đội của mình
Ngày nay, xe có thể qua cầu, xuồng máy chạy trên kênh rạch Đá Biên để nhân dân và các đồng đội hàng năm về dự lễ dâng hương. Tỉnh Long An có Quyết định công nhận là khu di tích lịch sử, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người dân, đặc biệt với cán bộ và sinh viên các trường đại học. Đồng đội đã đem cả “Đất” & “nước giếng” ở Hương Canh nơi trường xưa, cây vú sữa từ HN mang vào trồng ở Miếu Bắc Bỏ đã xum xuê hoa lá.
Cầu Trung đoàn 207 - “Nhịp cầu nối những bờ vui”, như tình quân dân, tình người ở lại với những người đã đi xa
Đoàn CCB - LSV của chúng tôi đã nhập ngũ, chiến đấu, hy sinh ở mặt trận miền Tây Nam Bộ như thế đấy. Hơn nửa thế kỷ đã qua, một thời hoa lửa: máu và hoa đã đi vào “miền cổ tích”. Nhưng người LSV Lê Anh Quốc vẫn còn nỗi buồn day dứt:
“…Bao cô gái
Bao chàng trai
Lứa tuổi đôi mươi
Đã nằm xuống dưới bạt ngàn nấm mộ
Những cái tên …ngày nào xanh nhãn vở
Giờ xếp hàng, đỏ rực nghĩa trang …”!
Cùng đi một đợt, lớp tôi có 05 anh em. Chỉ có mình tôi may mắn được trở về, nhưng bố mẹ không còn để gặp mặt. Các người bạn của tôi thì bố mẹ khi đó còn, nhưng các con dứt ruột đẻ ra thì mãi nằm lại nơi bưng biền mùa nước nổi; đêm đêm về, vẫn âm vang Bài ca vọng cổ “Đất phương Nam”… Các bạn hãy an lòng, trên đất nước Việt mình, nơi đâu cũng là “Đất Mẹ”!
Những ngày tháng 4 năm 2025
TLTK:
Lịch sử và truyền thống vẻ vang - CCB ĐHXD;
Nhật ký xây dựng Khu tưởng niệm các Liệt sĩ Trung đoàn 207- Đá Biên, Long An
CCB Nguyễn Mạnh Tiến - Giảng viên Khoa Công trình thủy