Hoạt động chung

7 Trường Đại học kỹ thuật ký kết hợp tác trong lĩnh vực Quốc tế hóa giáo dục

Sáng ngày 16/12/2022 tại Đà Lạt, nhóm G7 gồm 7 trường Đại học Kỹ thuật hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác trong lĩnh vực Quốc tế hóa giáo dục với nội dung Kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo tạo nhân lực chất lượng quốc tế. Lễ ký kết có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học – Bộ giáo dục và đào tạo.

Theo thỏa thuận hợp tác lần này, bảy trường sẽ phối hợp lĩnh vực Quốc tế hóa giáo dục, với các hoạt động chung tổ chức bởi 7 trường. Đây sẽ là cơ hội để 7 trường cùng nhau phát triển hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng. Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học, việc đẩy mạnh các hoạt động kiểm định quốc tế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển, hoàn thành Sứ mạng và Mục tiêu tầm nhìn của mỗi Trường. Hoạt động hợp tác gồm: Tổ chức tự đánh giá, kiểm định, đánh giá ngoài; Văn bản, tài liệu phục vụ hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; Cung cấp nguồn lực triển khai công tác bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo; Triển khai các quy trình bảo đảm chất lượng đào tạo; Chuyển đổi số trong bảo đảm chất lượng và kiểm định; Công tác đo lường, đánh giá và dự báo, cải tiến.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các trường đều thống nhất với phương án hợp tác trong lĩnh vực kiểm định và bảo đảm chất lượng. GS. TS. Trần Thanh Hải cho biết, mục tiêu của trường ĐH Mỏ - Địa chất tiến tới bắt kịp hòa nhập với hoạt động chung của nhóm G7 trong đảm bảo chất lượng và kiểm định quốc tế. Đồng thời mong muốn nhấn được sự tư vấn và hỗ trợ của các trường trong nhóm G7 cho các hoạt động kiểm định của của trường ĐH Mỏ - Địa chất.

GS. TS. Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi chia sẻ, hiện công tác kiểm định của trường còn rất hạn chế. Hiệu trưởng đề xuất nhóm G7 cần có kế hoạch hoạt động cụ thể hơn nữa, các đơn vị của các trường cần có lộ trình, kế hoạch nội dung có các buổi sinh hoạt chuyên đề sâu sắc và toàn diện hơn thì hợp tác G7 mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải quan tâm vấn đề trách nhiệm cam kết và triển khai trong quá trình hợp tác. Sau khi ký kết các hợp tác trước đây, nhà trường đã xây dựng lại chương trình đào tạo và tham gia vào hoạt động truyền thông trong tư vấn tuyển sinh.  Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải bày tỏ mong muốn cần sự hỗ trợ hợp tác giữa nhóm G7 trong việc chia sẻ kinh nghiệm kiểm định chương trình đào tạo quốc tế. Đồng thời, Hiệu trưởng cũng đưa ra các các phương án cho việc hợp tác lần này được hiệu quả như: cần kế hoạch cụ thể, các bộ phận hỗ trợ, tìm ra tổ chức kiểm định để kiểm định chung…

PGS. TS. Đoàn Quang Vinh - Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng cho hay, hiện nhà trường đang gặp khó khăn trong việc triển khai kiểm định đặc biệt là nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên. PGS. TS. Đoàn Quang Vinh đề xuất đẩy mạnh hoạt động chung trên cơ sở thỏa thuận đã ký và sự đồng hành nhịp nhàng giữa các trường trong nhóm G7 cũng như đưa ra lộ trình, các công việc triển khai của các trường, kế hoạch hành động cụ thể, đánh giá hiệu quả 2 lần/năm.

PGS. TS. Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà  Nội đánh giá, tuy rằng nhóm G7 là các trường đại học kỹ thuật, nhưng cũng có những khác biệt nhất định. Trong đó, 3 trường ĐH Bách khoa được xem là các trường "dẫn đầu" trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, vậy cần có sự trao đổi với các trường thành viên cũng như triển khai các hoạt động đã ký kết một cách bài bản để kết nối và chia sẻ. Hiệu trưởng đề xuất các bộ phận chức năng các trường cần chủ động gắn kết với nhau hơn trong chuyên môn để hoạt động hợp tác có kết quả tốt hơn. Các thành viên kế nhiệm hiệu trưởng trong tương lai cần chủ động tham gia vào các hoạt động của nhóm G7 để duy trì và phát triển nhóm trong thời gian tới.

PGS. TS. Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà nội chia sẻ, hiện Bách khoa Hà nội đang xem xét các khuyến cáo của cac tổ chức đã thực hiện đánh giá. Vì vậy,  Bách khoa Hà nội sẽ chia sẻ với nhóm về những kinh nghiệm để rút ngắn quy trình kiểm định, cũng như những công tác chuẩn bị. Phó Hiệu trưởng cũng nhận định, các trường nếu không thực hiện chuyển đổi số sẽ rất khó để thực hiện đo lường và kiểm định vì có hàng trăm quy trình (nội bộ) khác nhau. Trong vấn đề chuyển đổi số, Bách khoa Hà Nội đã có ứng dụng riêng và sẵn sàng chia sẻ với nhóm G7 trong quá trình quản trị đại học. Trong năm 2023, Bách khoa Hà nội sẽ thực hiện phiên bản thi tư duy mới, triển khai Mooc platform mới với nhóm G7 (trong đó có học liệu số - bài giảng điện tử và dùng chung trong nhóm).

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học nhấn mạnh, nhóm G7 là nhóm gồm những trường ĐH tiêu biểu, cần lan tỏa giá trị G7 đang hướng tới và chia sẻ kinh nghiệm trong việc kiểm định để mang lại giá trị cộng hưởng. Vụ trưởng cũng chia sẻ, Bộ GD&ĐT luôn cam kết luôn đồng hành chia sẻ với các trường, các trường cần có đề nghị kịp thời để Bộ hỗ trợ tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách để các trường cùng phát triển. Hiện Bộ GD&ĐT đang có nguồn khoản 430 tỉ để đầu tư vào các khóa học dùng chung, giao nhiệm vụ cho một số trường chủ trì theo từng lĩnh vực. Về KHCN - kỹ thuật cơ khí giao cho ĐH Bách khoa Hà nội chủ trì. Các trường sẽ được hưởng thành quả và các trường có trách nhiệm cùng hỗ trợ chia sẻ với ĐH Bách khoa Hà nội để đưa vào vận hành nền tảng dùng chung này mà trường này đang triển khai.

PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa - ĐHQG-HCM đại diện các trường đã tổng kết và cho biết nhóm G7 đánh giá tích cực về hoạt động của nhóm trong 2 năm vừa qua, nhóm đã tạo nên nền tảng và niềm tin khi phối hợp với nhau. Do đó, nhóm cần chuẩn bị cho giai đoạn mới trong quá trình hợp tác tiếp theo như: xây dựng khung kế hoạch, cơ cấu, cơ chế hoạt động... Hiệu trưởng đề xuất nên có ban thư ký thường trực để hỗ trợ lãnh đạo các trường và cần có kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm và giao nhiệm vụ cho các trường triển khai cụ thể kế hoạch này.

Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Với quá trình này, ngành giáo dục Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc bởi việc tham gia kiểm định mang lại rất nhiều lợi ích cho cả phụ huynh, sinh viên và các trường đại học. Việc hợp tác, chia sẻ nguồn lực về kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo tạo nhân lực chất lượng quốc tế với các trường kỹ thuật sẽ góp phần đào tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu đồng thời nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục. 

Đây là lần thứ năm, bảy trường đại học gồm: Trường ĐH Bách khoa-ĐHQG-HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Thủy lợi và Trường ĐH Mỏ - Địa chất ký kết hợp tác. Trước đó, các trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác về xây dựng chương trình đào tạo và thỏa thuận hợp tác về tuyển sinh, đào tạo, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, truyền thông.

Phòng Truyền thông & Tuyển sinh